FPT, Vietnamobile có lên kịp “chuyến tàu” 4G?

FPT đang chuẩn bị cho việc thử nghiệm 4G, Vietnamobile cũng tuyên bố muốn tham gia sân chơi 4G. Thế nhưng, những doanh nghiệp viễn thông này sẽ phải đợi đến năm 2017 để đấu giá băng tần 4G 2.6GHz mà Bộ TT&TT quy hoạch.

Vietnamobile

Bộ TT&TT cho biết sẽ cấp phép 4G cho 3 nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone trong tháng 9 này với băng tần 1800 MHz. Hiện cả 3 nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone đã hoàn thiện báo cáo và thủ tục xin cấp phép 4G. Về mặt bản chất, băng tần này đã được Bộ TT&TT cấp phép cho cả 3 nhà mạng hơn 10 năm nay để triển khai mạng 2G.

Theo Cục Tần số Vô tuyến điện, phải đến năm 2017 mới có thể đấu giá băng tần 2.6 GHz mà Bộ TT&TT đã quy hoạch cho 4G. Như vậy, tất cả những nhà khai thác viễn thông muốn có băng tần này phải tiến hành qua đấu giá.

Trả lời câu hỏi của ICTnews về việc Vietnamobile có theo đuổi cuộc chơi 4G hay không? Bà Elizabete Fong -Tổng điều hành Vietnamobile chia sẻ: “Chúng tôi rất muốn có được giấy phép 4G để cung cấp dịch vụ cho khách hàng và đang chờ đợi những chính sách từ chính phủ Việt Nam. FPT từ lâu ôm giấc mộng bước vào thị trường viễn thông cũng đã xin thử nghiệm dịch vụ 4G nhưng hiện vẫn chưa có động thái gì đối với thị trường. Nhiều khả năng FPT không thể triển khai ngay được dịch vụ 4G cho các thuê bao di động như Viettel, MobiFone và VinaPhone mà đi theo kiểu của nhà cung cấp dịch vụ Internet. Riêng Gtel không có bất cứ động thái nào xung quanh câu chuyện có nhắm đến 4G hay không”.

 Với chính sách cấp phép tần số hiện nay nếu muốn có tấm giấy phép 4G, FPT và Vietnamobile sẽ phải tham gia đấu giá tần số. Trong cuộc đấu giá này chưa thể đảm bảo FPT và Vietnamobile sẽ giành được giấy phép 4G khi mà phải thi đấu với những doanh nghiệp có tiềm lực như Viettel, MobiFone, VinaPhone.

Mới đây, đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay, Bộ TT&TT sẽ quản lý theo hướng trung lập về công nghệ. Bộ TT&TT chỉ cấp băng tần cho các doanh nghiệp nhưng dùng băng tần đó cho công nghệ nào như 3G, 4G, 5G… do nhà mạng tự quyết định. Bộ TT&TT không quy định cụ thể băng tần đó dùng cho công nghệ nào. Hiện công nghệ 4G có thể triển khai trên nhiều băng tần mà nhà mạng đã được Bộ TT&TT cấp. Đại diện Cục Tần số cho biết cũng xem xét triển khai 4G trên các băng tần 900, 2100 MHz nếu doanh nghiệp có nhu cầu. Sau khi tiến hành số hóa truyền hình sẽ dư ra băng tần 700 MHz có thể được sử dụng cho băng rộng di động.

 Như vậy, những doanh nghiệp như Vietnamobile vẫn còn có cửa để tiến lên 4G ngay cả trong trường hợp không đấu giá được băng tần 2.6 GHz trong năm 2017.

Hồi đầu năm 2016, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng việc cấp phép 4G phải làm sao thúc đẩy được cạnh tranh trong việc cung cấp dịch vụ này cho khách hàng, thậm chí có những nước đưa ra tiêu chí cấp phép cho 1 doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường này.

“Tùy tình hình mỗi nước mà có các hình thức cấp phép khác nhau. Có nước, ngoài các nhà khai thác hiện tại thì người ta muốn cho doanh nghiệp mới tham gia thị trường để đột phá, thúc đẩy cạnh tranh, giảm giá cước, nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhưng nước ngoài có thể làm như thế vì doanh nghiệp lớn có năng lực rất nhiều, còn Việt Nam phải tùy tình hình thực tế xem có doanh nghiệp mới nào đủ năng lực triển khai hay không. Việc đánh giá phải dựa vào bài thầu khi đấu giá chứ doanh nghiệp mới vào mà không có năng lực triển khai, chết yểu thì thiệt hại cho cả nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng. Khi cấp phép 4G, không nhất thiết phải là các doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có năng lực cũng cần được tạo điều kiện tham gia theo quy định. Điều này tạo sự bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực quốc gia như Nghị quyết Đảng, pháp luật của nhà nước đã đề cập”, ông Lê Nam Thắng nói.

Theo ông Lê Nam Thắng, tùy theo tài nguyên, nếu số lượng doanh nghiệp tham gia nhiều hơn nguồn tài nguyên dự kiến phân bổ thì phải tổ chức đấu giá theo quy định nhưng nếu số lượng doanh nghiệp ít hơn thì không cần đấu giá. Trước đây, thương quyền sử dụng tài nguyên quốc gia để cho các doanh nghiệp nhà nước nhưng bây giờ một số doanh nghiệp viễn thông đã có sự tham gia của đối tác nước ngoài hoặc sắp tới nếu cổ phần hóa doanh nghiệp với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, nếu mình phân bổ trực tiếp tài nguyên tần số mà không qua đấu giá thì thương quyền kinh doanh trị giá hàng nghìn tỷ sẽ rơi vào tay tư nhân nước ngoài.

Bạn thấy bài viết hữu ích !